Tin tức - Sự kiện / Tin công nghệ

Vì sao chúng ta cần đến thẻ SIM?

Kể từ khi SIM ra đời, công nghệ viễn thông di động đã chứng kiến nhiều biến đổi to lớn. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng một công nghệ mới nào đó để thay thế cho việc dùng SIM?
SIM là gì?
Trong những ngày đầu của lịch sử ngành di động, những chiếc điện thoại di động đầu tiên tại Mỹ được mua trực tiếp từ các nhà mạng. Ngày đó, giá cước di động của các nhà mạng rất cao, cao đến nực cười so với bây giờ, khoảng 5 USD cho một phút gọi. Nếu bạn muốn thay điện thoại, bạn phải đến trực tiếp nhà mạng và nhờ họ cập nhật tài khoản vào một thiết bị mới. Mỗi một thiết bị có một ID riêng, quá trình này rất phức tạp, bất tiện và mất thời gian.
Cuối cùng, các nhà mạng chuyển sang sử dụng một chuẩn mới có tên gọi Subscriber Indentity Module (mô-đun nhận dạng thuê bao) hay còn gọi là SIM. SIM có thể sử dụng trên nhiều thiết bị và dễ dàng tháo lắp khi bạn chuyển sang một thiết bị mới. Khi bạn lắp SIM sang một thiết bị mới, mạng của bạn sẽ nhận ra điều đó và chuyển tất cả cuộc gọi vào thiết bị mới của bạn thay vì thiết bị cũ. Điều này đã mở ra cánh cửa cho phép bạn sử dụng thiết bị với bất cứ nhà mạng nào.
SIM về cơ bản là một mạch điện tích hợp được phát triển với mục đích lưu giữ an toàn định danh của một thuê bao di động quốc tế cũng như các thông tin quan trọng liên quan đến định danh thuê bao đó khi được sử dụng trên di động, máy tính bảng và cả máy tính.
Ban đầu, mạch điện trong SIM là một phần của “thẻ thông minh” chuẩn, với kích cỡ ngang bằng với kích cỡ của một chiếc thẻ tín dụng được tích hợp chip bên trong. Ngày nay, những chiếc điện thoại trên thị trường đua nhau thiết kế mỏng hơn, pin lớn hơn vì vậy khoảng trống cho các thẻ SIM cũng bị giảm xuống, khiến SIM ngày càng nhỏ đi và hiện nay những chiếc nano SIM chỉ bé bằng đầu ngón tay.

Vì sao chúng ta vẫn cần SIM?
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ viễn thông kể từ khi SIM ra đời, tại sao chúng ta vẫn cần đến nó?
Những chiếc SIM luôn phải đi kèm với một khe cắm và thậm chí là một khay đựng, được thiết kế như môt phần của tất cả các thiết bị. Trong khi những linh kiện này chỉ có giá không đáng kể, nó lại có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định chiếc điện thoại sẽ dày bao nhiêu mm, khả năng chống nước của sản phẩm như thế nào, và quan trọng hơn hết là nó sẽ chiếm một khoảng trống mà đáng lẽ ra có thể sử dụng cho những việc khác.
Tại sao chúng ta không hàn SIM vào các thiết bị? Thực ra điều này là có thể, mặc dù nó không được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng nhưng công nghệ này là có tồn tại. Công nghệ có tên là SIM nhúng (hay thẻ mạch điện tích hợp nhúng).
Mỗi thiết bị của chúng ta như điện thoại hay máy tính bảng đều được gán với một con số riêng. Tại sao chúng ta không đơn giản lập trình SIM thẳng vào chip của thiết bị? Trên lý thuyết điều này cũng có thể thực hiện được. Các hãng viễn thông lớn tại Mỹ như Sprint hay Verizon đều đang thực hiện quy trình đó nhưng họ cũng không có ý định bỏ thẻ SIM khỏi thiết bị của mình. Bạn thử nghĩ mà xem, việc tháo lắp thẻ SIM chỉ tốn chưa đầy một phút. Quy trình này nhanh hơn rất nhiều so với việc nhúng lại SIM hay lập trình lại SIM vào một thiết bị khác.

Ngoài ra, dự án Project Fi của Google còn cho phép khách hàng sử dụng một loại SIM cho nhiều nhà mạng. Đây hứa hẹn là một công nghệ vô cùng tiện dụng và hấp dẫn và đem lại trải nghiệm không giới hạn cho người sử dụng.
Dù sao đi nữa, tác dụng của SIM vẫn được đánh giá cao hơn rất nhiều so với giá thành để tạo ra chúng cũng như những nâng cấp phần cứng thiết bị đi kèm cho công nghệ này. Dù cắm thêm khe SIM khiến chiếc máy của chúng ta tốn thêm vài milimet diện tích nhưng ngày nay, những chiếc thẻ SIM đã ở mức siêu nhỏ vì vậy, phần diện tích đó thực sự không đáng kể.
ICTnews